Xem chi tiết bài viết - Xã Vĩnh Giang - Vĩnh Linh

Mô hình hay, gương điển hình

(Demo) Vĩnh Giang: Năng suất mô hình màng phủ ni lông trên cây lạc ước đạt gần 25 tạ/ha

Ngày 19/4/2019, BQL Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7), Sở NN& PTNN, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trạm TT&BVTV huyện Vĩnh Linh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) nhân rộng trên cây lạc vụ Đông Xuân 2018-2019 tại HTX Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang.

 

Vụ Đông Xuân 2018-2019, Chi cục TT&BVTV tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện mô hình CSA nhân rộng trên cây lạc tại HTX Cổ Mỹ với diện tích 17 ha, cùng 200 hộ dân tham gia mô hình. Tại hội nghị đầu bờ, mô hình CSA nhân rộng trên cây lạc đã được các cơ quan chức năng cũng như bà con nông dân xã Vĩnh Giang đánh giá cao vì có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách thức sản xuất truyền thống, như: phương thức tổ chức sản xuất hợp lý, cơ giới hóa sản xuất, hệ thống tưới tiêu đồng bộ. Vụ Đông Xuân 2018- 2019 nắng hạn, thời tiết hầu như không có mưa, các giai đoạn sinh trưởng quan trọng của cây lạc đều gặp nắng nóng song nhờ chủ động gieo trồng đúng thời vụ, chăm sóc, bón phân đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn tại mô hình, đặc biệt việc bà con sử dụng màng che ni lông có đục lỗ đã góp phần giảm sự bốc hơi nước, giữ được độ ẩm trong đất, giữ phân, hạn chế sự phát triển của cỏ dại, dịch bệnh. Do đó cây lạc vẫn phát triển ổn định, cây khỏe, tỷ lệ chắc hạt cao.

Đến nay hầu hết các diện tích trồng lạc theo mô hình CSA đã đến kỳ chuẩn bị cho thu hoạch với năng suất bình quân ước đạt gần 25 tạ/ha, cao hơn diện tích trồng lạc đại trà khoảng 8 tạ/ha, sản lượng tăng lên so với ruộng đại trà cùng giống gần 1,3 tấn. Về lợi nhuận kinh tế, ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà 760 nghìn đồng/sào, tương ứng hơn 15,2 triệu đồng/ha. Không chỉ cho năng suất, chất lượng cao, thâm canh cây lạc theo mô hình CSA còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu trong quá trình sản xuất.

Từ những ưu điểm của mô hình CSA, Chi cục TT&BVTV tỉnh Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh cùng bà con nông dân kiến nghị thời gian tới BQL Dự án tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ, xây dựng và nhân rộng mô hình CSA đại trà, mở rộng đối tượng tham gia, tạo cơ hội cho người dân, nhất là nông dân những địa phương thuộc vùng khó sản xuất được tiếp cận và chuyển giao mô hình. Từ đó tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.

CÁC TIN KHÁC
 

 
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH