Xem chi tiết bài viết - Xã Vĩnh Giang - Vĩnh Linh

Mô hình hay, gương điển hình

Trồng dưa hấu theo mô hình thích ứng biến đổi khí hậu ở Cổ Mỹ

(QT) - Vụ đông xuân 2019-2020, Hợp tác xã (HTX) Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh triển khai thực hiện mô hình nhân rộng “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” (CSA) trên cây dưa hấu đang mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Mô hình này được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Quảng Trị phối hợp với HTX Cổ Mỹ thực hiện với giống dưa hấu Thiên Sơn 74. Đây là giống lai F1 thế hệ mới, do tập đoàn East West Seed lai tạo sản xuất tại Thái Lan. Giống này có khả năng thích ứng rộng, trồng được ở nhiều vùng, nhiều vụ trong năm. Thời gian sinh trưởng từ 60- 65 ngày. Cây sinh trưởng khỏe, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt. Qua thực tế các vụ trồng dưa hấu tại Cổ Mỹ và các HTX khác của xã Vĩnh Giang cho thấy giống dưa hấu Thiên Sơn 74 phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất này.

 

Ông Lê Chẩn, Giám đốc HTX Cổ Mỹ cho biết, mô hình nhân rộng CSA trên cây dưa hấu được triển khai lần đầu tại địa phương này từ năm 2018 với diện tích 1 ha. Dưa hấu Thiên Sơn 74 có trái thuôn dài, nặng trung bình từ 3 - 5kg, năng suất bình quân nếu thời tiết thuận lợi sẽ đạt 20 tấn/ha. Đặc biệt vỏ quả dưa có vân rối, ruột đỏ, chắc thịt, độ đường cao nên ăn ngọt, thơm. Vụ đông xuân này là lần thứ hai nông dân HTX Cổ Mỹ tiếp tục thực hành nhân rộng mô hình CSA với cây dưa hấu trên diện tích 4 ha. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng suất, tăng chất lượng sản phẩm và hiệu quả; thông qua giảm phân đạm, thuốc BVTV và tưới nước hợp lý, tận dụng phế phẩm nông nghiệp. Kỹ thuật trồng dưa hấu cơ bản được quy định gồm hàng cách hàng 2 m, cây cách cây 0,5 m, với lượng giống 0,8kg/ha...

 

Anh Nguyễn Hoài Văn, người tham gia mô hình trồng dưa hấu cho biết, để trồng đúng kỹ thuật, ngoài việc chọn giống có phẩm cấp tốt, sau khi ứng dụng cơ giới trong các công đoạn làm đất, cần phải thực hiện đánh hàng và hốc gieo cây theo khoảng cách quy định thì cây dưa hấu mới phát triển tốt. Tiếp theo là khâu bón phân, dùng toàn bộ phân chuồng, phân khoáng và vôi bột bón vào các hốc gieo hạt sau đó đảo đều với đất rồi lấp đều hốc, san phẳng, phủ bạt ni lông trước khi trồng một đến hai ngày.

 

Sau khi cây đâm chồi và phát triển, tiến hành bón thúc, chia thành ba đợt theo cách hòa phân bón vào nước rồi tưới trực tiếp vào gốc cây các thời gian buổi sáng sớm hay chiều mát. Bón đợt một khi cây dưa đã mọc từ 15- 20 ngày, đủ 5 đến 6 lá. Bón đợt hai sau khi cây dưa phát triển từ 30- 35 ngày, là thời kỳ dưa ra hoa. Bón lần thứ ba vào thời điểm sau khi cây dưa mọc 45 ngày, nghĩa là sau khi thu hoạch quả đợt đầu. Người trồng dưa chỉ thu hoạch đợt quả tiếp theo sau khi bón thúc ít nhất được một tuần để đảm bảo thời gian cách ly với các loại phân bón đúng quy định. Anh Văn là người có diện tích trồng dưa mô hình CSA lớn nhất HTX với 5 sào. Anh cho biết với diện tích khá lớn nên anh chia thành 3 đợt để gieo hạt nhằm khi thu hoạch chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm, không tập trung thu hoạch quá nhiều vào một thời điểm. Lứa dưa anh gieo đầu tiên từ cuối tháng 1/2020 trên diện tích 2 sào phát triển tốt, cho quả lớn, nay chuẩn bị thu hoạch. Lứa dưa thứ hai anh gieo một sào hiện cây đã phát triển dài đến một mét, còn lứa thứ ba có diện tích hai sào anh vừa gieo, dự kiến sau hai tháng thu hoạch để bán dưa muộn.

 

Ông Lê Văn Quốc, một người trồng dưa của dự án cho biết, ngoài bón phân chuồng, phân khoáng và vôi bột ra, có thể bổ sung phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp, phân NPK, bổ sung một số nguyên tố trung và vi lượng thông qua một số loại phân bón lá như Seaweed (rong biển)... để dưa đạt chất lượng tốt. Theo ông Quốc chi tiết được người trồng dưa Cổ Mỹ quan tâm thực hiện triệt để là phòng trừ sâu bệnh theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, hoàn toàn không dùng hóa chất BVTV để diệt trừ sâu bệnh. Vụ này ông Quốc gieo hai sào dưa hấu. Theo đánh giá của HTX Cổ Mỹ, vườn dưa hấu của ông Quốc là một trong những nơi có chất lượng tốt.

 

Theo ông Lê Chẩn, Giám đốc HTX Cổ Mỹ, trong quá trình thực hiện mô hình xã viên HTX đã tuân thủ quy trình của dự án đề ra. Thực hiện mô hình này các xã viên được hỗ trợ 50% giống, công cụ, đạm nhả chậm, màng phủ ni lông. Qua theo dõi cho thấy mặc dù vụ này thời tiết hạn nặng, ảnh hưởng lớn nhưng năng suất dưa hấu có thể đạt được 600- 700kg/sào. Với giá bán từ 10 nghìn- 12 nghìn đồng/kg thì trồng dưa hấu vẫn mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều loại cây cùng trên đơn vị diện tích đất.

 

Tham gia mô hình trồng dưa hấu này, xã viên HTX Cổ Mỹ còn được Chi cục TT&BVTV tỉnh hướng dẫn xử lý các phụ phẩm sau thu hoạch như thân, lá của cây dưa bằng nhiều biện pháp phù hợp và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu. Từ đó giúp nông dân thay đổi cách nhìn nhận, cách sản xuất cũ để tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp cây trồng tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất. Kết thúc vụ sản xuất, xã viên được hướng dẫn thu gom toàn bộ màng ni lông trên ruộng, tập kết về nơi thu gom rác tại địa phương để xử lý theo đúng quy định. Việc thu gom ni lông giúp môi trường đồng ruộng không bị ô nhiễm chất thải khó phân hủy và hạn chế tối đa nguồn bệnh lây lan cho vụ sau.

 

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục TT&BVTV tỉnh Bùi Phước Trang cho biết, mục tiêu quan trọng của mô hình CSA mà dự án WB7 hướng đến là khả năng nhân rộng mô hình trong sản xuất, thay đổi được nhận thức cũng như tập quán sản xuất cũ nhằm góp phần giúp nông dân thích nghi với phương thức sản xuất thích ứng với sự biến đổi phức tạp của khí hậu hiện nay và mang lại giá trị cao trên một đơn vị diện tích.

 

Tú Linh

 

Nguồn: http://www.baoquangtri.vn/Kinh-t%E1%BA%BF/modid/419/ItemID/147207

CÁC TIN KHÁC
 

 
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH