(QTO) - Những ngày mùa thu năm nay, chúng tôi trở lại vùng Tân Trại Hạ (gồm các thôn Tân Trại 1, Tân Trại 2, Tân Mỹ và Tân An) của xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, được chứng kiến không khí người dân nơi đây kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Cờ đỏ sao vàng bay rợp trời Vĩnh Giang dưới nắng vàng của mùa thu trong trẻo nơi vùng quê ven biển gợi lên khung cảnh thanh bình, ấm no.
Mô hình vườn rau sạch liên gia độc đáo tại Vĩnh Giang được nhiều nơi học tập -Ảnh: TÚ LINH
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Giang Nguyễn Văn An đưa chúng tôi đi qua từng ngõ xóm của vùng quê Tân Trại Hạ. Câu chuyện về những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 của mùa thu 75 năm trước ở vùng quê này như những thước phim tư liệu lịch sử đang được tái hiện lại. Ngày 12/8/1945, nhận được tin Nhật đầu hàng phe đồng minh vô điều kiện, toàn vùng Vĩnh Linh cũng như Tân Trại Hạ, Vĩnh Giang náo nức chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay cách mạng. Đêm 22/8/1945, hàng nghìn người dân Tân Trại Hạ, Vĩnh Giang và vùng lân cận rầm rập kéo về ngã ba chợ Đàng thể hiện khí thế cách mạng dâng cao. Rạng sáng 23/8/1945, đoàn quân khởi nghĩa ào ào như dòng thác bao vây các vị trí của địch. Đồn trưởng Đồn Cửa Tùng cùng toàn bộ lính khố xanh xin hàng, giao nộp vũ khí cho cách mạng. Từ giờ phút ấy, chính quyền khu vực Vĩnh Giang, Cửa Tùng thuộc về tay Nhân dân. Sáng hôm sau, người dân Tân Trại Hạ cùng Nhân dân Vĩnh Giang hừng hực khí thế chiến thắng kéo về phủ lỵ Vĩnh Linh cùng Nhân dân toàn phủ mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công và chính quyền mới. Ngay những ngày đầu chính quyền cách mạng đã sớm đưa các hoạt động xã hội và sinh hoạt của Nhân dân trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Văn An cho biết, phát huy truyền thống vùng quê cách mạng, sau năm 1945 và tiếp đến 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, Nhân dân vùng Tân Trại Hạ cũng như xã Vĩnh Giang đã làm nên những chiến công hiển hách, góp phần ghi thêm những trang sử vàng chói lọi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu là Vĩnh Giang ba lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào các năm 1967, 1970, 1973.
Bí thư Chi bộ thôn Trân Trại 1 Nguyễn Văn Thu cho biết, Tân Trại 1 là một thôn nhỏ nằm ngay cổng vào xã Vĩnh Giang đã có đến 13 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 55 liệt sĩ, 35 thương binh, 9 bệnh binh. Còn tính cả khu vực Tân Trại Hạ có đến 23 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 114 liệt sĩ, 109 thương binh…
Gia đình ông Nguyễn Uẩn là cán bộ tiền khởi nghĩa, con trai của ông nguyên là Xã đội trưởng của xã Vĩnh Giang, 3 người con gái hiện sinh sống ở Hà Nội, Vinh và Thành phố Hồ chí Minh, đều là cán bộ nhà nước. Cháu nội ông Uẩn là Trung tá sĩ quan Biên phòng, chắt nội của ông hiện là Đại úy thuộc lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Ba người con còn lại ở nhà hăng say lao động sản xuất. Phát huy truyền thống gia đình, các con của ông luôn phấn đấu trở thành người sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Một gia đình tiêu biểu nữa ở vùng quê này mà chúng tôi có điều kiện tiếp xúc là gia đình ông Phùng Kim Điện (70 tuổi). Gia đình ông có 3 liệt sĩ trong chiến tranh chống Pháp, Mỹ; mẹ của ông Điện là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bản thân ông là thương binh. Ông Điện có 3 người con, đều cán bộ Nhà nước, trong đó có 2 người đã đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ở Tân Trại Hạ, gia đình nào cũng vậy, trong kháng chiến không tiếc xương máu để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, trong hòa bình luôn năng động sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Toàn bộ bốn thôn Tân Trại 1, Tân Trại 2, Tân Mỹ và Tân An có 675 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nông nghiệp với sản xuất cây công nghiệp là hồ tiêu, còn lúa chỉ làm được một vụ vì khô hạn, thiếu nước tưới. Nhưng đất đai cũng không đủ rộng để con người thỏa sức khai hoang, phát triển. Từ trong khó khăn, người dân vùng Tân Trại Hạ đã có nhiều sáng kiến trong phát triển kinh tế, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng giá trị sản phẩm trên diện tích đất. Người dân ở đây lập ra tổ sản xuất liên gia, từng nhóm hộ gia đình cùng nhau trồng trọt trên một diện tích đất do một người làm trưởng nhóm. Các gia đình làm theo phương thức canh tác nối vụ. Sau khi thu hoạch lúa để sản xuất gạo đỏ, người nông dân liền trồng đậu xanh; thu hoạch xong đậu xanh sẽ chuyển qua trồng rau an toàn và cuối cùng là trồng nếp, trở thành sản xuất bốn vụ trong một năm, một cách làm sáng tạo ít nơi nào có được.
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Giang Nguyễn Văn An cho biết, người dân Tân Tại Hạ luôn biết phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, xác định thế mạnh của địa phương để chọn mục tiêu, phương hướng phát triển phù hợp. Trong tình hình khó khăn chung của xã, huyện, Nhân dân Tân Tại Hạ luôn khơi dậy được ý chí phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra. Hiện thu nhập bình quân của người dân Tân Trại Hạ ở mức 42,5 triệu đồng/người/ năm
TÚ LINH